Nhắc đến quan hệ mẹ chồng nàng dâu, không ít người cho rằng con dâu luôn thiệt thòi trước các bà mẹ chồng khó tính. Tuy nhiên thời nay thì ngược lại, rất nhiều trường hợp, nàng dâu biến mẹ chồng thành ôsin cao cấp.
Từ ngày con lấy vợ, thay vì có thêm một cô con dâu giỏi giang để gồng gánh gia đình, bà Hồng lại trở thành người giúp việc bất đắc dĩ cho con trai và con dâu trong chính ngôi nhà của mình. Nhà chỉ có hai mẹ con, lúc Nhật, con trai bà, chưa lấy vợ, bà vẫn lo lắng, thu vén việc nhà, giặt giũ quần áo cho con trai. Nhiều hôm trời lạnh, tuy có máy giặt mà bà vẫn lụi cụi giặt quần áo bằng tay vì “giặt máy vừa tốn điện, tốn nước, lại không sạch”. Nhật còn nghĩ rằng khi mình lấy vợ, bà sẽ đỡ vất vả phần nào.
Nhưng Linh, vợ anh, lại là một tiểu thư quen được chiều chuộng. Từ bé cô chỉ biết đi học, rồi đi làm, mọi việc đã có mẹ lo. Đến cả việc nấu một bữa cơm hoàn chỉnh cô cũng chưa phải làm bao giờ. Thế nên khi về làm dâu, cô tuyên bố thẳng với mẹ chồng là không quen làm việc nhà, và sẽ thuê người giúp việc. Tiếc tiền và cũng muốn tiết kiệm cho các con, bà Hồng ngăn con thuê người và “ôm” hết mọi việc trong nhà.
Thế là từ đó, sáng sớm bà dậy đi chợ, mua đồ ăn sáng cho cả nhà, con dâu dậy chỉ việc ăn rồi đến cơ quan. Bà Hồng lụi cụi dọn rửa bát đĩa rồi quay ra lau nhà, quét sân, giặt giũ, phơi phóng... Chiều đến, bà lại chuẩn bị cơm nước đâu vào đấy trước khi các con về.
Có con dâu, bà vất vả hơn trước vì thêm người là thêm việc nhưng người làm thì vẫn chỉ có mỗi mình bà. Xóm giềng, họ hàng bất mãn thay cho bà, anh con trai cũng áy náy, nhưng bản thân anh chẳng giúp được gì. Góp ý với vợ thì Linh bảo: “Em đã nói ngay từ đầu là thuê người giúp rồi cơ mà, tại mẹ cứ thích tự làm khổ mình đấy chứ”. Mặc dù vậy, bà Hồng không trách con dâu vì cô yêu chồng, luôn tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép với mẹ, thỉnh thoảng lại mua biếu khi chiếc khăn, lúc bộ quần áo.
Thực tế, trong xã hội hiện đại ngày nay, càng lúc càng có nhiều phụ nữ trẻ có xu hướng không thích vướng víu đến con cái, việc nhà dù không quá bận bịu. Họ có tư tưởng thuê người giúp việc làm thay mình, hoặc nếu có bố mẹ thì phó thác hoàn toàn cho bố mẹ lo. Đó là biểu hiện của tư tưởng tự do thái quá, “quên” thiên chức phụ nữ, đặc biệt là trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Ý nghĩ chỉ cần sinh con ra, còn việc nuôi dạy người khác có thể làm thay cho mình là hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ hay những người khác trong gia đình có thể chia sẻ công việc nhà để họ có thời gian làm công tác xã hội nhưng xét đến cùng, họ vẫn phải là linh hồn, là người giữ lửa ấm trong ngôi nhà của mình, nhất là trong nuôi dạy con cái.
Đối với các bà mẹ chồng vô tình bị biến thành “ôsin”, cần góp ý kiến nghiêm túc, thẳng thắng để các cô dâu có tính ỷ lại nhận ra và sửa chữa. Nên nói chuyện với con dâu về phân công công việc trong nhà từ những ngày đầu để tránh rơi vào tình trạng phải làm người giúp việc cho con. Như thế cũng sẽ giúp hai thế hệ trong gia đình có thể hiểu nhau hơn, để cuộc sống được hòa thuận.