Lấy sếp làm chồng hay lấy chồng là sếp đều nảy sinh những tình huống dở khóc dở cười như nhau. Khi chồng cũng là sếp, các cô vợ phải hành xử thế nào ở công ty cho phải đây?
Thường thì dân công sở dễ chấp nhận một bà sếp “từ trên trời rơi xuống” – tức khi họ biết sếp thì bà ấy đã là vợ sếp rồi – hơn là một cô đồng nghiệp của mình bỗng một ngày được sếp “cất nhắc” lên vị trí phu nhân, nhất là khi vợ sếp vốn chỉ là một nhân viên bình thường mà thôi. Đó là điều mà Thúy, 27 tuổi, rút ra sau khi “một bước lên bà”.
Thúy chia sẻ: “Nhìn ánh mắt của họ, em hiểu ngay, họ cho em là chuột sa chĩnh gạo. Họ khó chịu vì em cũng chỉ là một đứa con gái bình thường thôi, thậm chí năng lực không bằng họ, thế mà ‘lừa’ được anh ấy. Trước mặt, họ vẫn vui vẻ với em, thậm chí lấy lòng em, nhưng sau lưng, họ nói với nhau rằng không hiểu sếp tìm thấy cái gì ở con bé tầm thường đó chứ, rằng con này trông thế mà khôn thật, rất biết thả câu”.
Thúy cho biết, vì là vợ sếp, cô không bị ai gây khó dễ trong công việc, nhưng nhất cử nhất động của cô đều bị soi mói. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, những nữ đồng nghiệp tự cho là thông minh, sâu sắc hơn cô sẽ lập tức kể cho nhau nhé, thêm mắm thêm muối, đưa cô ra làm trò cười trong các câu chuyện phiếm. Vì sợ khoảng cách giữa mình với họ càng rộng thêm nên Thúy không muốn phàn nàn chuyện đó với chồng. Vì thế, cô rất stress. Cuối cùng, để thoát khỏi tình trạng này, Thúy âm thầm tìm công việc mới.
Nỗi ấm ức của Phượng, cũng là một người lấy sếp làm chồng, lại khác. Phượng có năng lực, đó là điều giúp chị thăng tiến nhanh trong công ty. Thế nhưng, cứ mỗi lần được khen thưởng hay bổ nhiệm vào vị trí mới, chị lại nghe những lời thì thầm, bàn tán tỏ ý không phục, rằng chẳng qua là sếp bà nên mới được nâng đỡ.
“Những người đó họ chỉ nói sau lưng nên tôi không có cách nào ba mặt một lời, bắt họ chứng minh điều họ nói là đúng”, Phượng nói. “Mặc dù tất cả các vụ khen thưởng hay bổ nhiệm của tôi đều có căn cứ rất rõ ràng, đó là doanh số tăng vọt, là sự thành công của các dự án, các ý tưởng mới. Thế nhưng một khi người ta muốn lờ điều đó đi mà chỉ nhìn vào địa vị sếp bà của tôi thì tôi cũng đành chịu”.
Còn Bảo Hương thì ngược lại, có quan hệ rất tốt với phái nữ trong cái công ty mà chị làm việc và chồng chị lãnh đạo. Chị em thân thiện, ríu rít với nhau, rủ nhau ăn quà vặt, mua sắm váy áo, đi spa, và nhất là buôn đủ thứ chuyện. Trong công ty có ai hắt hơi sổ mũi gì họ cũng kể với chị. Thế nhưng chính điều đó làm Bảo Hương không chịu nổi, bởi nhiều chuyện được kể liên quan đến chị, chính xác hơn là đến chồng chị, mà cụ thể hơn nữa là chuyện ái tình, bồ bịch của anh.
Hương tâm sự, chị biết rằng không ít người tuy luôn tỏ ra tốt với chị nhưng sẽ rất vui nếu biết gia đình chị có chuyện không hay. Vì thế, là vợ sếp, chị phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cẩn trọng hành vi của mình từng ly từng tí. Bởi đã có lần, nghĩ xung quanh không có ai, chị trách nhẹ chồng một câu về chuyện anh không đi cùng chị về quê đám cưới cô em họ. Thế mà sau đó trong công ty đã lan truyền chuyện vợ chồng sếp đang đồng sàng dị mộng, bề ngoài thế thôi chứ thực ra thân ai nấy lo từ lâu lắm rồi, sếp còn chả thèm về quê vợ nữa kia mà…
Sau những chuyện như vậy, Bảo Hương tự rút ra kết luận, đã ở vị trí cao thì khó tránh việc bị săm soi và những chuyện thị phi, có cố ngăn cũng chẳng ích gì. Tốt nhất là bịt cái tai lại để bảo vệ tinh thần của mình. Vị thế, chị né dần những cuộc “buôn dưa, bán cà” của chị em trong công ty.
Tóm lại, làm vợ sếp thì sướng rồi. Thế nhưng nếu như chồng không chỉ là sếp của thiên hạ mà còn là sếp của cả mình nữa thì đôi khi cũng không phải dễ chịu lắm.
XEM THÊM: