Khi một đứa trẻ ra đời, không chỉ là niềm tự hào của cả gia đình mà khi con dâu trả đũa mẹ chồng, nó còn trở thành vũ khí tối thượng .
Mẹ chồng Vân chỉ có hai người con trai. Chồng Vân là con thứ, nhưng anh trai lại ở nước ngoài nên cô nàng đành phải chịu cảnh sống dưới một mái nhà với mẹ chồng. Trước nay mẹ chồng cô vẫn không ưng gì cô con dâu này, thậm chí lúc đòi cưới, bà còn quyết tâm phản đối đến cùng chỉ vì cô hơn chồng đến hai tuổi, phải nhờ sau này anh kiên trì thuyết thục mới miễn cưỡng chấp nhận. Thế nhưng, suốt hơn năm trời sống chung, Vân luôn phải sống trong cảnh cơm không lành, canh không ngọt với mẹ chồng.
Những việc như công việc nhà, mắng chửi vài câu chỉ là chuyện nhỏ. Thậm tệ hơn, thỉnh thoảng bà còn dẫn theo vài người cháu con bạn dì gì đó về nhà, với ý định ám chỉ giới thiệu cho chồng Vân một cô vợ khác, “hợp ý bà và xứng đáng với anh hơn.”
Không cần nói cũng biết Vân giận đến thế nào. Trấn áp tinh thần thế nào cô còn chịu được, chứ bảo người ve vãn chồng cô thì làm sao chấp nhận? Cô thuyết phục chồng dọn ra riêng nhiều lần, anh dù đắn đo nhưng suy cho cùng vẫn phản đối. Ở Việt Nam mẹ chỉ còn có mỗi mình anh, anh không chăm sóc mẹ thì để ai? Vân biết mình đuối lý, cũng dần cam chịu. Chỉ là thường ngày hai vợ chồng dành nhiều thời gian bên ngoài và ít chạm trán bà hơn.
Hơn một năm trời, rốt cuộc cũng chờ mong được đến ngày Vân có thai. Bấy giờ đột nhiên thái độ của mẹ chồng đối với cô thay đổi hẳn. Bà chẳng những ngừng khủng bố tinh thần con dâu, mà còn thường xuyên mua về nhà thức ăn, thuốc bổ, còn dặn đi dặn lại phải ăn uống thế nào, bảo dưỡng ra sao để sinh con được mạnh khỏe. Ngạc nhiên hơn nữa là đi đến đâu cũng khen ngợi con dâu, khiến mấy bà hàng xóm cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn cô.
Nhưng trong lòng Vân vẫn còn ấm ức lắm. Sau khi sinh con, Vân để mặc cho bà làm hết thảy mọi việc, từ chợ búa, việc nhà, nhưng lại ngăn cản không để bà bế cháu. Hễ bà động vào cô lại bảo bà bế chưa đúng tư thế, khoa học nói sẽ có hại với trẻ sơ sinh, rồi bà chưa rửa tay, rồi vi khuẩn. Cả chuyện pha sữa cho con, thay tả, cô cũng hoạnh họe suốt ngày là chưa đúng kiểu. Mẹ chồng dù có phản đối đến thế nào nhưng vẫn thương cháu, lại nghe cô lôi khoa học này nọ ra nói cũng lo sợ. Cứ thế, quan hệ mẹ chồng cứ dần căng thẳng đến tận hôm nay.
Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, những câu chuyện về sự trả đũa của các nàng dâu khi bất bình với cách đối xử của mẹ chồng như trên không hiếm. Nhà tâm lý cho rằng, đa số đó là những trường hợp "tức nước vỡ bờ" và người trong cuộc coi đó là cách duy nhất để giải tỏa cho bản thân nên có thể cảm thông được.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, giải tỏa kiểu này như con dao hai lưỡi, có thể làm hại chính người dùng. Một mặt, khi trả đũa, chị em có thể cảm thấy khoan khoái, được xoa dịu cảm giác ấm ức của mình, nhưng thường thì cảm giác này không nhiều và cũng kéo dài không lâu. Trong khi đó, thái độ và những hành động kiểu này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng như giữa hai vợ chồng.
Tức nước vỡ bờ, nhưng việc gì cũng có giới hạn. Trước khi có hành động trả đũa, bản thân các nàng cũng phải nghĩ đến người đứng giữa là chồng mình. Tốt nhất đừng bao giờ đi quá giới hạn, khi đó sẽ không phải đơn giản chỉ là vấn đề giữa mẹ chồng, con dâu mà đã trở thành vấn đề của cả gia đình, có thể ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình bạn.
Xem thêm:
Khi con dâu trả đũa mẹ chồng (P1)